Sóc Trăng sơ kết 01 năm triển khai Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến 2030”
Tại điểm cầu của tỉnh, chủ trì có đồng chí Lâm Văn Mẫn - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Sóc Trăng; đồng chí Hồ Thị Cẩm Đào - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Trần Văn Lâu - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh, Tổ trưởng Tổ công tác triển khai Đề án 06; đồng chí Dương Sà Kha, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh; các thành viên Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh, Tổ công tác triển khai Đề án 06 và Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh. Tại đầu cầu cấp huyện có các thành viên Ban Chỉ đạo chuyển đổi số và Tổ công tác Đề án 06 cấp huyện và Tổ công tác Đề án 06 cấp xã.
Quang cảnh Hội nghị trực tuyến sơ kết 01 năm triển khai Đề án 06
Theo báo cáo của Tổ Công tác Trung ương triển khai Đề án 06, trong năm 2022, cả nước có 154.840.409 hồ sơ dịch vụ công đồng bộ trạng thái xử lý trên Cổng dịch vụ công quốc gia; đã tích hợp ứng dụng VNEID lên Cổng dịch vụ công quốc gia; đã hoàn thành 8/28 dịch vụ công theo Quyết định số 422/QĐ-TTg ngày 04/4/2022 của Chính phủ; Bộ Công an đã làm sạch 02 triệu thông tin tín dụng ngân hàng; nền tảng căn cước công dân gắn chip đã ứng dụng trên lĩnh vực y tế, giáo dục, bảo hiểm, ngân hàng; có 12 bộ, ngành, 01 doanh nghiệp nhà nước, 03 doanh nghiệp viễn thông và 31 địa phương đã kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu khác,…
Xác định tầm quan trọng của Đề án 06, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã tập trung chỉ đạo quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 06; bước đầu đạt được kết quả tích cực, nhất là lĩnh vực dịch vụ công trực tuyến, chia sẻ kết nối dữ liệu liên thông các thủ tục, được người dân, doanh nghiệp đồng tình, ủng hộ; là nền tảng quan trọng để triển khai dịch vụ công trực tuyến, phục vụ người dân, doanh nghiệp góp phần chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số.
Cụ thể, Ủy ban nhân dân tỉnh đã khẩn trương ban hành Kế hoạch triển khai Đề án 06, thành lập Tổ công tác triển khai Đề án 06 và ban hành Quy chế hoạt động; thành lập Tổ công tác tại 11/11 cấp huyện, 109/109 cấp xã và 778/778 khóm, ấp trên địa bàn tỉnh. Các sở, ngành, địa phương đã thực hiện 25 dịch vụ công thiết yếu. Ngành Công an đã tổ chức thu nhận 1.205.627 hồ sơ cấp Căn cước công dân, (đạt 92,3% so với công dân đến độ tuổi theo quy định); thu nhận 67.237 hồ sơ định danh điện tử cho công dân mức 2; hướng dẫn 21.171 tài khoản cho người dân kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức 1. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền nội dung của Đề án trên 20 kỳ qua Chuyên mục truyền hình “An ninh Sóc Trăng”, phát trên Đài Phát thanh - Truyền hình Sóc Trăng và đăng tải trên website Truyền hình Sóc Trăng (www.thst.vn), Cổng thông tin điện tử tỉnh và Cổng thông tin điện tử Công an tỉnh (www.congan.soctrang.gov.vn); đăng tải trên 200 tin, bài cộng tác với các cơ quan thông tấn báo chí trong và ngoài lực lượng,...
Mặc dù đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn nhưng một bộ phận người dân chưa quan tâm đến việc đăng ký tài khoản để sử dụng dịch vụ công; cơ sở vật chất phục vụ thực hiện nhiệm vụ còn hạn chế; ngoài ra, hiện chưa có hướng dẫn cụ thể về lập dự toán kinh phí triển khai Đề án 06 để tỉnh chủ động lập dự toán, nhất là kinh phí tuyên truyền, mua sắm trang thiết bị đảm bảo các hoạt động của Tổ công tác.
Nhằm triển khai thực hiện Đề án 06 đạt hiệu quả hơn trong thời gian tới, tỉnh Sóc Trăng kiến nghị Bộ Công an sớm cho phép kết nối, chia sẻ, khai thác thông tin dân cư trong hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm đẩy nhanh tiến độ của Đề án 06; có hướng dẫn lập dự trù kinh phí triển khai Đề án 06 để tỉnh chủ động thực hiện./.